Đam mê thú chơi Đá Quý – Thật giả lẫn lộn, tiền mất tật mang
Những năm gần đây, khi nhu cầu sở hữu những món đồ trang sức đá quý ngày càng nhiều cũng là lúc thị trường đá quý Việt Nam trở nên sôi động, đặc biệt vào dịp cuối năm.
Song thực tế mặt hàng đá quý thật giả lẫn lộn, xấu tốt đua chen khiến cho cuộc chơi đá quý ẩn chứa nhiều yếu tố may rủi, hên xui, trong đó chuyện nhiều người bỏ ra hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng để rước về một món đá quý rởm là không hiếm.
Nhu cầu đa dạng, thật giả đua chen
Nếu như trước đây vào ngày hôn lễ, các cô dâu chú rể thường trao nhau đôi nhẫn cưới bằng vàng trơn giản dị thì giờ đây được thay thế bằng đôi nhẫn cưới đính kim cương – loại đá quý biểu tượng của tình yêu vĩnh cửu, được giới trẻ rất ưa chuộng.
Nhiều người có của ăn, của để muốn lưu truyền mãi về sau cho gia đình, dòng họ những món đồ gia bảo là trang sức đá quý, kim cương chất lượng cao. Nhiều người khác, dư dả tiền bạc, lại muốn mang trên mình viên đá quý để khẳng định sự thành đạt, sang trọng và cá tính. Một số người lại coi đá quý như một sự yểm trợ, mang ý nghĩa tâm linh, hợp tuổi, hợp mạng, hợp tháng sinh để luôn may mắn, thuận lợi trong làm ăn, buôn bán. Không ít gia đình, công ty bỏ ra vài trăm đến trên tỷ đồng mua cả một khối đá ngọc phong thủy đặt trong công sở, phòng khách để hút tài vận, phúc lộc, làm ăn được thuận buồm xuôi gió. Đó là chưa kể đến nhiều hoạt động bất hợp pháp, tiêu cực khác như cá độ, vay mượn… cũng sử dụng đá quý như một phương tiện giao dịch. Bước vào bất kỳ tiệm kim hoàn nào, ta cũng có thể bị lóa mắt bởi vô vàn loại đá quý được trưng bày gồm nhiều nguồn gốc, xuất xứ, chủng loại, màu sắc, kích cỡ, mức giá… thật thật, giả giả khó có thể phân biệt.
Chuyên gia thẩm định đá quý.
Loại đá quý được ưa chuộng nhất là kim cương, được mệnh danh vật báu của đất trời, “ông hoàng đá quý” vì độ cứng cao nhất, độ tinh khiết và sáng trong nhất trong các loại đá quý. Có khoảng 130 triệu cara kim cương được khai thác mỗi năm với tổng trị giá 9 tỷ USD. Một số nước như Nga, Mỹ và Trung Quốc áp dụng công nghệ cao cho ra đời các lô kim cương có màu sắc, độ tinh khiết giống hệt kim cương tự nhiên. Sản lượng kim cương nhân tạo hiện đạt khoảng 100.000 kg/năm. Theo Tiến sĩ Nguyễn Trường Thị, Viện trưởng Viện Kiểm định đá quý, vàng và trang sức Việt Nam (GIV): “Nếu như kim cương tự nhiên trải qua hàng triệu năm hình thành trong lòng đất thì kim cương nhân tạo sản xuất chỉ trong 6 giờ”.
Kim cương nhân tạo nhiều và rẻ hơn kim cương tự nhiên, vì thế không hiếm sản phẩm trang sức gắn kim cương nhân tạo vẫn được quảng cáo là kim cương cao cấp tự nhiên với giá bán không hề rẻ. Rất nhiều loại khoáng vật có màu sắc gần giống kim cương, như đá Moissanit, sẵn có và giá rẻ, bị các nhà buôn lừa bịp, trộn lẫn với kim cương tự nhiên mà không phải khách hàng nào cũng có thể phân biệt thật, rởm.
Những thủ thuật “lên đời” đá quý
Đá quý thiên nhiên được chia thành hai nhóm là đá quý và đá bán quý. Loại đá quý (nhóm I) là ruby, sapphire (sa-phia), diamond (kim cương) và emerald. Ngoài ra là các loại đá bán quý (nhóm II) như thạch anh, opal, garnet (đá hạt lựu), citrine, topaz (ngọc lam)… Tất nhiên, các loại đá quý thuộc nhóm I được giới chuộng ngọc săn lùng ráo riết. Được liệt vào hàng đá quý và hiếm, nên trong thiên nhiên, sản lượng khai thác các loại đá quý này ngày càng ít. Vậy là các tay “phù thủy đá quý” đã tìm nhiều chiêu kế để “lên đời” đá rởm thành đá quý.
Đá rởm trên thị trường được “lên đời” chia thành ba nhóm chính là đá quý nhân tạo (chủ yếu là kim cương) nhưng được rao bán như đá thiên nhiên, loại đá bán quý (nhóm II) được “lên đời” bằng cách xử lý hóa chất giống hệt đá loại I và loại ba là các khoáng chất giá rẻ có các đặc điểm giống đá quý nhóm I, bị giới buôn đá lừa bịp là đá quý nhóm I. Kim cương, ruby, sapphire, ngọc bích là những loại đá quý bị làm rởm nhiều nhất. Theo con mắt của các nhà chuyên môn ở nhiều quầy hàng trang sức tại Hà Nội và các thành phố lớn, số lượng đá bị “lên đời” bày bán rất công khai, không phải khách hàng nào cũng có thể nhận biết được.
Rất nhiều viên kim cương được khai thác trong lòng đất nhưng còn nhiều khiếm khuyết, độ tinh khiết không cao. Các biện pháp xử lý nhân tạo nhằm che đậy, tẩy xóa những khiếm khuyết để viên kim cương trong vắt, sáng lấp lánh. Thông thường việc định giá trị viên kim cương được dựa trên độ lớn (cara), màu sắc, độ tinh khiết, cắt giác. Giới khoa học đặt ra thang bậc phân loại màu sắc của viên kim cương từ D (không màu) xuống dần đến E, F.G,… Z. Những viên kim cương tinh khiết, trong suốt, chiếu ánh sáng lấp lánh đạt cấp độ D rất quý và hiếm, được định giá rất cao, tới hàng triệu USD. Một tay buôn bán đá quý cho biết, chỉ cần tăng lên một cấp độ, làm cho viên kim cương có tì vết trở nên trong suốt, rực rỡ, giá trị của viên kim cương sẽ tăng hàng chục lần. Nâng lên 2-3 cấp thì giá trị tăng rất cao. Một chuyên gia ngọc tiết lộ, một số cách xử lý kim cương phổ biến là dùng tia chiếu phóng xạ thay đổi màu sắc viên kim cương, nhuộm thủy tinh lên bề mặt kim cương bằng nhiệt độ cao trong chân không, khoan tia laser nâng cao độ tinh khiết của viên kim cương, màng mạ kim cương…
Ngọc bích (đá cẩm thạch) rất được ưa chuộng ở phương Đông, bị làm rởm rất nhiều. Một chuyên gia đá quý khẳng định, có đến 99% ngọc bích bán trên thị trường là ngọc đã được nhuộm màu. Chỉ sau 5-10 năm sử dụng, loại đá này sẽ bị mất màu, mất độ trong suốt. Trong khi đá ngọc cẩm thạch thật càng đeo sẽ càng “lên nước”, càng trong đẹp. Thủ đoạn nhuộm ngọc bích phổ biến là dùng ngọc chất lượng thấp ngâm trong axít 40 giờ, khi chất màu chuyển thành màu trắng thì đặt vào trong hỗn hợp trộn ê-pô-si và phẩm màu giữa môi trường chân không, khối đá sẽ chuyển màu tùy chủ định đỏ hay xanh. Khối đá đã nhuộm sẽ được chế tác thành những chiếc vòng ngọc có vân hoa và độ trong rất đẹp mắt.
“Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”
Khi người ta có thể nghiên cứu ra công nghệ sản xuất đá quý trong các phòng thí nghiệm giống hệt viên đá thật và tìm ra những thủ thuật “hô biến” viên đá từ loại thông thường thành đá quý nhóm I, thì cũng chính con người có thể “đọc vị” được chất ngọc để phân biệt đá quý thật – đá quý giả. Nhằm đưa ra sự đánh giá đúng đắn với các sản phẩm đá quý, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng trong các giao dịch mua bán đá quý, làm lành mạnh thị trường đá quý nhiều trung tâm kiểm định đá quý, vàng bạc đã ra đời ở trong và ngoài nước. Làm việc tại các phòng chuyên môn này là những chuyên gia “kiểm ngọc”, có trình độ chuyên sâu về ngọc học với rất nhiều loại thiết bị công nghệ cao hỗ trợ.
Một chuyên gia kiểm định vàng bạc đá quý cho biết: “Để có thể phân biệt một cách chính xác những viên đá quý, đọc đúng giá trị, xuất xứ của chúng, những người làm nghề kiểm định phải mất rất nhiều công sức nghiên cứu, tìm hiểu, liên tục trau dồi, cập nhập kiến thức. Và còn phải có bề dày kinh nghiệm trong nhiều năm mới đủ khả năng nhìn nhận giá trị viên đá”.
Tiến sĩ Nguyễn Trường Thị cho biết: “Ngoài việc phải có chuyên môn sâu, giỏi nghề, giàu kinh nghiệm thì chuyên gia kiểm định đá quý còn phải có cái tâm, khách quan, trung thực, đưa ra kết quả giám định đúng sự thật, không lừa gạt người mua ngọc”. Thực tế đã có tình trạng một số cơ sở kiểm định nhỏ đưa ra kết quả kiểm định thiếu trung thực, tiếp tay cho giới buôn đá quý với mục đích nâng cấp độ viên đá nhằm đút túi số tiền chênh lệch.
Ông Thị cũng cho biết, để có thể đưa ra những kết luận chính xác, các trung tâm kiểm định đá quý, vàng bạc Việt Nam đã được trang bị hệ thống thiết bị tiên tiến, tiệm cận được công nghệ mới nhất, đủ khả năng đọc được các thủ thuật “thổi” ngọc của giới sản xuất ngọc giả. Trong một số trường hợp, việc kiểm định đá quý còn có sự kết hợp với các thiết bị, máy móc hiện đại của các viện khoa học, trường đại học chuyên ngành nhằm tìm ra chân xác sự thật. Cách tốt nhất với người mua ngọc là tìm đến những cơ sở lớn, có tiếng mua hàng kèm theo giấy chứng nhận kiểm định của các trung tâm kiểm định có uy tín.
Hà Nguyễn (Báo Hà Nội Mới) – Da Quy – Da Phong Thuy